Bát nháo đồng phục công sở

Thuộc mục: Chuyện ngoài lề Ngày tạo: 2017-01-01 Lượt xem: 1916
Hiện nay trên đường phố hay ở một số công sở, nhà hàng,khách sạn thỉnh thoảng chúng ta vẫn gặp những kiểu đồng phục khá "ấn tượng", nếu không muốn nói là khó coi.
 Điểm dễ nhận thấy nhất ở các trang phục loại này là trông hao hao quân phục kiểu nhà binh, các trang phục của các cơ quan bảo vệ pháp luật hay những bộ quân phục của các chiến binh thời… La Mã.

 

Điều đáng nói là tình trạng tùy tiện hoặc lạm dụng trong việc cho ra đời những kiểu đồng phục nơi công sở, nhà hàng, khách sạn lấy cảm hứng và biến tấu từ sắc phục của các... cơ quan bảo vệ pháp luật đã trở thành tràn lan. Những trang phục bát nháo trên đã khiến nảy sinh những ngộ nhận tai hại và tạo một hình ảnh hổ lốn ở những nơi công cộng…

Đồng phục và những “biến tấu” trời ơi

Có thể thấy ở Việt Nam hiện nay từ anh bảo vệ khách sạn, nhà hàng, siêu thị cho đến các thành viên trong… đội mai táng của nhà đòn chuyên cử nhạc cho các đám ma đều có những bộ đồng phục na ná những sĩ quan trong các cơ quan nội chính: cũng sao, gạch, cũng ngù vai nón kết nhưng trông màu mè sặc sỡ và dĩ nhiên là… dỏm hơn. Trong một lần đi viếng đám ma, người viết đã từng chứng kiến đội "khốc nhạc" của nhà đòn "chơi" một bộ đồng phục rập khuôn nguyên bộ lễ phục của cánh nhà binh thường diện duyệt binh trong những ngày lễ lớn với đầy đủ quân hàm, quân hiệu lẫn dây đai (!?). Không biết do có lẽ người đã khuất vốn là lính nên ban khốc nhạc cũng phải chơi quân phục hay đây chỉ là một sự tùy tiện vô tình ! Chúng ta cũng rất hay gặp những anh chàng làm nghề bảo vệ ở một số cơ quan mà trông cứ như… một cán bộ thuế bởi kiểu đồng phục trông khá giống sắc phục của anh thuế vụ. Đặc biệt “dàn” bảo vệ của trường Y. tại TP.HCM được trang bị bộ đồng phục không khác gì sắc phục của cơ quan an ninh với đầy đủ quân hàm, quân hiệu. Có nơi chả thèm "biến tấu", cách tân gì cho mệt óc mà đem bê nguyên đồng phục của đơn vị khác thành của mình: Đó là trường ĐH B. (TPHCM) nơi đã "hóa thân" cho hơn một chục nhân viên bảo vệ của trường trở thành những người đưa thư của ngành bưu điện - rập khuôn từ quần áo cho đến mũ mão! Không hiểu ban giám hiệu trường này không đủ khả năng sáng tạo được riêng cho mình kiểu đồng phục nào khác hay do quá trọng vọng ngành bưu điện vốn nổi tiếng quý tộc và lương bổng hậu hĩ ! Nghiêm trọng hơn, cách đây không lâu một số bảo vệ ở chợ S. (Q.5 -TP.HCM) đã ngang nhiên "trưng" cả những bộ đồ rằn ri - vốn là sắc phục của những tay biệt động quân đầy tai tiếng của chế độ cũ - với chiếc bê rê đỏ trên đầu hẳn hoi. Đến khi bị công luận lên tiếng thì mới vở lẽ đó là những tên lưu manh côn đồ chuyên ức hiếp các tiểu thương. Nhưng không hiểu sao chúng lại trở thành nhân viên bảo vệ chợ trong một thời gian dài với những bộ trang phục dị hợm trên (!?).

Vì sao văn hóa trang phục bị xem nhẹ?

Ngoài những nơi có sự đầu tư cần thiết và nghiêm túc khi chọn đồng phục với sự cố vấn hoặc thiết kế của các chuyên gia may mặc có tính thẩm mỹ cao, thì không ít nơi khâu này vẫn thường xuất phát từ ngẫu hứng của các ông "sếp". Lý do của việc xuất hiện những kiểu trang phục trời ơi này đôi khi cũng có lắm chuyện cười: Một chủ khách sạn tư nhân thì cho biết ông chọn thiết kế kiểu trang phục thời… Phục Hưng cho đội bảo vệ của khách sạn mình là do bắt chước kiểu làm của một khách sạn ở bên Malaysia trong một lần đi du lịch tình cờ. Ông "kết" bộ đồng phục này và đem nguyên mẫu về khách sạn của mình vì theo ông: "Trông khá bắt mắt"! Mới đây khi đi phỏng vấn để thực hiện bài viết này chúng tôi đã đặt câu hỏi với một lãnh đạo có trách nhiệm ở một doanh nghiệp về ý tưởng cho ra đời bộ đồng phục bảo vệ của công ty ông trông rất giống với bộ sắc phục của các chiến sĩ cảnh vệ của Bộ Nội vụ. Ông cho biết: thực ra đó chỉ là ý tưởng của vị "sếp" tiền nhiệm, vì theo ông này bộ sắc phục ấy trông rất oai, hơn nữa với việc…ỡm ờ như vậy lại hóa hay, bởi các đối tượng tội phạm trong xã hội tưởng rằng công ty thuê cảnh vệ bảo vệ sẽ không dám bén mảng gây rối (!?). À, thì ra là để "hù" thiên hạ có thể nói đội bảo vệ của công ty này đã được… hóa thân thành những chiến sĩ cảnh vệ. Ở một khách sạn nhiều sao nổi tiếng tại Đà Nẵng có thời gian người ta vẫn thường thấy hình ảnh của các chú bảo vệ trông cứ như là những chiến binh thời của Hoàng đế Napoleon danh tiếng của nước Pháp. Cũng chiếc mũ đen rộng vành với lưa thưa những… lông nhiều màu sắc, đồng phục cũng một màu đen với ngù vai, dây tua vàng, trắng với những huy hiệu lấp lánh, tất cả được "ốp" quanh một cậu chàng mặt non choẹt, loắt choắt và không có… âu trông khá hài hước.

Các vũ trường, quán bar cũng không kém cạnh trong lĩnh vực này với những đội bảo vệ trật tự có bộ vó đồng phục khá đa dạng về chủng loại: hẳng hạn ở vũ trường P. (Đà Nẵng), đội P.M (bảo vệ) trông giống như những thành viên của Công ty Long Hải chuyên cho thuê vệ sĩ. Còn ở một vũ trường khác mới mở cũng tại địa phương này, khách nhảy cũng thấy xuất hiện những tay bảo vệ trong trang phục dị hợm kiểu những tay sát thủ trong các bộ phim xã hội đen của Hồng Kông, Đài Loan!

Cho đến nay vẫn chưa có một văn bản pháp lý nào quy định rõ ràng và định ra chuẩn mực cụ thể đối với những vi phạm trong việc sở hữu bản quyền trang phục công sở. Không có hành lang pháp lý cho lĩnh vực này nên có thể thấy sự hổ lốn về trang phục công sở đang diễn ra một cách tràn lan và đã trở thành bình thường.

Nguyệt Linh

Từ khóa: