Có thể chia sẻ với những băn khoăn, lo lắng của vị phụ huynh nọ, bởi trước thềm năm học mới các gia đình phải chuẩn bị rất nhiều khoản tiền đóng góp, nay cộng thêm việc trang bị đồng phục theo quy định của nhà trường sẽ tăng thêm gánh nặng chi phí, trong khi đó không phải gia đình nào cũng có điều kiện kinh tế khá giả.
Người bạn này cũng đặt câu hỏi: vì sao trước khi ra quy định, nhà trường không thông báo sớm, hoặc bàn bạc, thống nhất cùng phụ huynh mà lại làm theo kiểu áp đặt, “tiền trảm hậu tấu” như vậy?. Từ câu chuyện trên, tôi chợt nhớ đến chuyện từng xảy ra tại một trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội khi đưa ra quy định đồng phục mới cho học sinh đã gặp sự phản ứng quyết liệt từ phía các phụ huynh, bởi ngoài chuyện giá cả không phù hợp, các phụ huynh cho rằng, việc này là chưa cần thiết, chưa phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều gia đình, và thay vì quá chú trọng đến hình thức, “ngoại hình”, nhà trường nên chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo. Và sự việc cuối cùng được giải quyết theo hướng: việc mua đồng phục là không ép buộc, phụ huynh có thể tự quyết định mua cho con em mình một sản phẩm (áo khoác, đồ thể dục…) cũng được.
Từ hai câu chuyện trên, dưới góc nhìn khách quan, các phụ huynh đều có chung quan điểm rằng: việc trang bị đồng phục cho học sinh thể hiện sự văn minh, hiện đại, tạo ra bản sắc riêng của các trường. Song nếu trước khi quy định trang bị đồng phục, nhà trường có sự bàn bạc, thảo luận, tham khảo ý kiến của phụ huynh, tìm được “tiếng nói” chung thì hay biết mấy, để vấn đề đồng phục sẽ không gây bức xúc và trở thành gánh nặng của mỗi phụ huynh trước khi vào năm học mới.