Góc khiêm nhường trên thị trường làm đẹp
Thế nhưng có thể dễ dàng nhận thấy thời trang công sở chỉ là một mảng rất nhỏ trong thị trường quần áo thời trang, gồm jean, pull, trang phục đi chơi, dự tiệc... Hầu hết các nơi bán đều không tập trung chuyên sâu về trang phục dành cho những người đi làm.
Lý giải điều này, chủ nhân shop thời trang Xinh cho rằng: "Có quá nhiều shop, quá nhiều nhãn hiệu nên việc cạnh tranh rất gay gắt. Chúng tôi không muốn mạo hiểm nếu chỉ chuyên một loại, mỗi thứ một ít thì sẽ không bỏ qua khách hàng nào".
Quan điểm "đánh đồng còn hơn bỏ sót" xem ra cũng có lý khi đa phần những người kinh doanh mặt hàng thời trang chưa có một nghiên cứu nào cụ thể về tâm lý, sở thích của khách, cùng với việc thị trường luôn bấp bênh bởi "đối thủ" liên tục xuất hiện.
Ông Phạm Quốc Uy, trưởng phòng kinh doanh của nhãn hiệu thời trang Senti, nói: "Hàng thuần tuý công sở chiếm khoảng 20-30% tổng lượng hàng, số còn lại chủ yếu là thời trang dạo phố. Gần đây, Senti đã thiết kế thêm một số kiểu mẫu "2 trong 1", tức là vừa có thể đi chơi lại vừa đi làm được. Tuy nhiên, nhóm hàng này cũng chỉ ở mức 50 - 60% và không ổn định".
Đồng phục hay thời trang
Những nhãn hiệu Việt Tiến, May 10, Sanding, Phương Đông, Nhà Bè... cũng được nhớ đến trong tâm trí người tiêu dùng nhưng với hình ảnh là đồng phục công sở hơn là thời trang công sở. Các công ty này có thế mạnh về xưởng may, sản xuất số lượng lớn, thời gian ngắn. Nhưng với sự hiểu biết và gu thẩm mỹ cao, nhân viên công sở thường không chuộng đồng phục. Và họ tìm đến những nơi cung cấp khác.
Các shop, cửa hàng tư nhân đi vào thị trường này khá mạnh là Mộc Miên, Nhã Uyên, Zip Fashion, Centimet, Xinh, Senti... Siêu thị với Hạnh, Thanh Thảo... Nhà may có Thuỵ Vũ, Thuý Nga, Minh Anh, Khánh Linh... Những nơi này có ưu thế may đúng size, có nhiều catalogue và sẵn vải lựa chọn, may theo phom hiện đại, tư vấn kiểu theo dáng người... Chất liệu và kiểu dáng phong phú, đa dạng chứ không na ná giống nhau như các công ty dệt may lớn.
Cửa hàng duy nhất đề tên hẳn hoi "Thời trang công sở" trên đường Lê Thánh Tôn, Q.1, nhưng quần áo ở đây có quá nhiều màu sắc, hoa văn sặc sỡ, không mấy phù hợp với môi trường làm việc văn phòng. Một số ít là hàng công sở thật thì kiểu dáng lại đơn điệu và có lẽ chỉ phù hợp với độ tuổi khoảng 30.
Ông Hùng, quản lý nhãn hiệu Oxy, xuất hiện trên thị trường gần 5 năm nay, cho biết: khách hàng thường xuyên của oxy là khu vực ngân hàng, ngành dược... Giá thiết kế và gia công cho những hợp đồng có số lượng trên 100 bộ là khoảng 550.000 đồng/bộ.
Thời trang Nem tuy mới góp mặt thị trường khoảng 6 tháng gần đây nhưng cũng đã nhanh chóng khẳng định vị trí bởi phong cách sang trọng, thanh lịch, do chuyên gia Pháp thiết kế. Tài trợ trang phục cho phim "39 độ yêu" và tung hàng lên trang web riêng là điểm khác biệt gây chú ý của nhãn hiệu này.
Những xu hướng và cơ hội mở
Nhà thiết kế Kiều Việt Liên nhận định: "Theo nghiên cứu riêng, thời trang công sở đang theo khuynh hướng hiện đại, bớt màu đen, màu sắc tươi trẻ hơn. Khách hàng cũng đòi hỏi trang phục công sở phải lạ, thoải mái và có điểm chấm phá riêng". Khái niệm đồ "thiết kế" (không trùng lắp) giờ đây xuất hiện ở cả nơi công sở, đặc biệt là nhóm nhân viên tại công ty nước ngoài, ngành dịch vụ và giới trung niên thành đạt.
Một điểm chưa được các nhà sản xuất lưu ý nhiều, đó là trang phục công sở dành cho nam giới. Họ chỉ có quần tây, áo sơ mi là chính nên cần đầu tư hơn đến màu sắc, chất liệu cùng những phụ kiện như cravate, dây nịt... Với nữ, những chất liệu cao cấp như taffta, linen, lụa, vải hai mặt... cũng được ưa chuộng hon so với cotton, ka tê, thun đã quá quen thuộc. Những điểm nhấn nơi cổ, thân áo... cần cách điệu để tránh sự nhàm chán.
Giá rẻ nhưng kiểu không đẹp và không liên tục thay đổi thì cũng khó cạnh tranh. Riêng TP.HCM có hàng ngàn công ty, tỷ lệ thuận với hàng chục ngàn nhân viên. Thế nên, trang phục công sở là thị trường lớn cần khai thác nhanh.
Theo SGTT